7 câu hỏi giúp bạn “đọc đâu nhớ đấy”
7 câu hỏi giúp bạn “đọc đâu nhớ đấy”, 11100, Huyen Nguyen, Sống Trọn Từng Giây
, 09/11/2017 10:18:15Như một mỹ nhân kiêu kỳ, việc đọc sách vô cùng quyến rũ nhưng cũng dễ khiến bao “cây si” nản lòng. Tuy vậy, với phương pháp đọc chủ động thông qua 7 câu hỏi dưới đây, bạn hoàn toàn có thể cải thiện kỹ năng đọc của mình một cách hiệu quả.
Việc đọc sách nghe qua thì rất hấp dẫn nhưng đôi khi sẽ trở nên nhàm chán nếu như bạn chỉ cố lướt qua mà không thật sự đào sâu vào chúng. Bạn thường quên những nội dung mình vừa đọc? Hay bạn không thể nắm được những ý chính dù đã tốn rất nhiều thời gian để đọc một quyển sách?
Vấn đề không nằm ở khả năng ghi nhớ của bạn, chẳng qua là bạn chưa đọc một cách chủ động mà thôi.
Việc đọc không hiệu quả dễ khiến bạn nản lòng
Cố gắng hoàn thành một quyển sách thật nhanh là sai lầm mà người đọc thường mắc phải. Chúng ta lướt qua những đoạn văn với hi vọng tiếp nhận nhiều thông tin nhất trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi ấy chúng ta chỉ tập trung vào những phần mình hiểu mà không nhìn được tổng thể nội dung của quyển sách. Việc này sẽ làm chúng ta cảm thấy khó khăn khi nhớ lại nội dung đã đọc vào những ngày sau.
Khi đọc xong một quyển sách, ta thường tự hỏi bản thân có thích quyển sách đó không. Mặc dù câu hỏi này đảm bảo rằng bạn cảm thấy hứng thú khi đọc sách, nhưng thật ra nó không khiến việc đọc trở nên ý nghĩa và bổ ích hơn. Bên cạnh đó, việc chỉ đọc những quyển sách mà mình thích sẽ làm bạn hạn chế khả năng tiếp cận những kiến thức rộng hơn.
Tạo nên một danh sách các câu hỏi trước khi bắt đầu đi sâu vào nội dung là một cách đọc sách hữu hiệu giúp chúng ta rèn luyện việc đọc chủ động. Dưới đây là 7 câu hỏi sẽ giúp bạn “đọc đâu nhớ đấy”:
1. Nếu chỉ có thể nhớ 3 điều trong sách, tôi sẽ nhớ những điều gì?
Tôi sẽ áp dụng chúng như thế nào vào cuộc sống của mình?
Có những quyển sách khiến chúng ta choáng ngợp bởi hàng tá thông tin. Đừng tự đánh giá quá cao trí nhớ của mình, vì chúng ta hiếm khi nào có thể nhớ được hơn 3 thông điệp từ một quyển sách. Hãy xác định rõ những thông tin nào thực sự hữu ích khi bạn đọc chúng. Đừng cố gắng nhớ hay viết xuống những thông tin mà bạn không thể áp dụng vào cuộc sống của mình, bởi vì chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng quên chúng vào ngày hôm sau.
2. Những luận điểm chính và gợi ý của tác giả là gì?
Không ai viết mà không có mục đích. Thậm chí cả trong những quyển tiểu thuyết, tác giả cũng có mục đích nhất định như truyền tải những thông điệp hoặc thuyết phục người đọc. Việc dành thời gian để tìm ra những ý chính giúp chúng ta dễ dàng hiểu được nội dung của cả quyển sách mà không bỏ lỡ bất kỳ ý quan trọng nào.
3. Tác giả đang cố gắng giải quyết những vấn đề nào?
Hầu hết mọi quyển sách đều nhằm mục đích giải quyết một vấn đề nào đó. Kể cả những quyển sách văn học, luôn có cao trào trong cốt truyện và đó cũng chính là điều mà người viết muốn truyền tải. Thông điệp đôi khi không rõ ràng, nhưng nếu chúng ta có thể tìm ra và học hỏi từ chúng, ta sẽ nâng cao được kỹ năng giải quyết vấn đề của mình.
4. Những kỹ thuật viết nào được tác giả sử dụng để truyền tải ý chính trong sách?
Đọc là một trong những cách hiệu quả giúp chúng ta nâng cao kỹ năng viết. Chú ý và tiếp thu cách viết của các tác giả thông qua cách họ diễn đạt ngôn từ, kỹ thuật hùng biện và bố cục, … sẽ giúp văn phong của bạn thu hút hơn.
5. Tôi đã biết gì về chủ đề của quyển sách? Những ý được nói đến trong sách khác như thế nào so với những gì tôi nghĩ?
Chúng ta thường bỏ qua những quyển sách khi không tìm được sự liên kết giữa những gì mình biết và những gì được đề cập trong sách. Trước khi đọc, bạn hãy suy nghĩ và nhớ lại kiến thức cũ có liên quan đến chủ đề ấy để sẵn sàng cho việc tìm hiểu sâu hơn.
6. Những ý nào trong sách mà tôi chưa hiểu?
Chúng ta không phải là những quý ngài “biết tuốt”. Vì vậy, có nhiều lúc bạn sẽ bắt gặp trong sách các vấn đề mà mình không hiểu, hoặc không đồng tình. Bỏ qua những vấn đề này không phải là một giải pháp tốt vì nó sẽ giới hạn sự hiểu biết của bạn. Thay vào đó, nghiên cứu sâu hơn về chúng là cách tốt nhất để ta phát triển bản thân lên một tầm cao mới.
7. Phần nào trong sách mà tôi thích hoặc không thích? Tại sao?
Việc đọc sách không chỉ đơn giản là đọc những dòng chữ mà chính là hành trình giúp chúng ta hiểu rõ bản thân mình hơn. Tự đặt câu hỏi trên sẽ giúp bạn trở thành một người học hỏi thông minh. Khám phá nhiều hơn về thị hiếu của bản thân sẽ giúp chúng ta lựa chọn tác giả phù hợp.
Bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian để đọc một quyển sách nếu áp dụng phương pháp đọc chủ động qua những câu hỏi trên. Tuy vậy, chắc chắn bạn sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn vì không còn chỉ cố hoàn thành một quyển sách mà không hiểu hết những ý tưởng được truyền tải trong chúng.
7 câu hỏi giúp bạn “đọc đâu nhớ đấy” Sách và cuộc sống, Tự đào tạo