Tìm hiểu bệnh suy thượng thận mạn tính
Tìm hiểu bệnh suy thượng thận mạn tính, 70, Hải Lý, Sống Trọn Từng Giây
, 15/08/2014 13:32:34Suy thượng thận mạn tính là tình trạng tuyến thượng thận sản sinh quá nhiều cortison hoặc và aldosteron gây rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh và thậm chí là tử vong.
1. Suy thượng thận mạn tính có biểu hiện như thế nào?
Tùy theo mức độ tổn thương hoặc giảm sản xuất các hormon nhanh hay từ từ mà người ta chia suy thượng thận thành 2 loại cấp và mạn tính. Mức độ nặng của 2 loại suy thượng thận này có khác nhau.
Suy thượng thận mạn tính: Quá trình giảm sản xuất hormon diễn ra chậm, thường do các nguyên nhân tự miễn, lao thượng thận. Các triệu chứng cũng xuất hiện từ từ, kín đáo cho đến khi BN suy sụp. BN cảm thấy yếu mệt và mỏi cơ. Mệt xuất hiện ngay khi ngủ dậy và kéo dài suốt cả ngày; gầy sút, chán ăn; da sạm đen, nhất là ở mặt, môi, lưỡi, khuỷu tay, núm vú...; huyết áp thấp, có thể ngất do huyết áp quá thấp; buồn nôn, nôn, ỉa chảy; trầm cảm.
Suy thượng thận cấp tính: Bệnh cảnh là BN bị tổn thương tuyến thượng thận đột ngột, nhanh, chẳng hạn do chảy máu hoặc BN có suy thượng thận mạn tính bị mắc thêm các bệnh nặng khác như viêm phổi, chấn thương...; Các triệu chứng nặng, xuất hiện đột ngột: đau bụng, đau lưng, đau chân; nôn và ỉa chảy nhiều gây mất nước nặng; huyết áp thấp, tụt, có khi không đo được; lơ mơ, có thể hôn mê.
2. Chẩn đoán xác định bệnh suy thượng thận mạn tính
Chẩn đoán suy thượng thận dựa vào hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm.
Xét nghiệm máu: Nồng độ hormon tuyến thượng thận như cortison và đôi khi cả aldosteron thấp.
- Nồng độ hormon tuyến yên ACTH tăng trong suy thượng thận tiên phát, giảm trong suy thượng thận thứ phát.
- Các chất điện giải trong máu như natri giảm nặng, kali máu có thể bình thường hoặc tăng. Đường máu cũng thấp, có khi nhỏ hơn 2mmol/l.
- Các xét nghiệm khác tìm nguyên nhân gây suy thượng thận như các kháng thể (trong bệnh tự miễn)...
Test kích thích ACTH: Đánh giá nồng độ cortison trong máu sau khi tiêm ACTH tổng hợp. Trường hợp bình thường hoặc do tổn thương tuyến yên thì sau khi tiêm ACTH, nồng độ cortison máu sẽ tăng lên. Còn nếu do tổn thương tuyến thượng thận hoặc suy thượng thận do dùng corticoid kéo dài thì cortison máu vẫn thấp sau khi tiêm ACTH.
Ngoài ra cần thực hiện các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vùng tuyến thượng thận có thể phát hiện các nguyên nhân gây tổn thương tuyến thượng thận như u, chảy máu, vôi hóa (thường do lao)... Hoặc chụp tuyến yên phát hiện nguyên nhân gây tổn thương tuyến yên (gây suy thượng thận thứ phát) như u tuyến yên, u não chèn ép tuyến yên, tuyến yên bị teo...
3. Điều trị suy thượng thận mạn tính có khó không?
Điều trị suy thượng thận mạn tính bằng cách bổ sung các hormon thượng thận mà chủ yếu là cortison dưới dạng các thuốc uống như hydrocortison, prednisolon. Do nguyên nhân phổ biến gây suy thượng thận là bệnh tự miễn nên điều trị thường là suốt đời, nhưng liều lượng có thể thay đổi, cụ thể là tăng lên khi BN bị ốm, sốt, ỉa chảy, mệt... hoặc mắc thêm bệnh khác.
- Trong một số trường hợp còn cần được điều trị thêm aldosteron như florinef (uống) hoặc androgen. Dùng các thuốc này có thể giúp BN thấy khỏe mạnh hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và duy trì được khả năng hoạt động tình dục.
- Điều trị cơn suy thượng thận cấp: Do suy thượng thận cấp là bệnh nặng, có thể gây tử vong do các nguyên nhân huyết áp tụt, hạ đường huyết, tăng kali máu... nên người bệnh cần được điều trị tích cực và nhanh chóng, các thuốc phải được dùng bằng đường tiêm như tiêm tĩnh mạch hydrocortison, truyền tĩnh mạch các dung dịch đường glucose hoặc muối natri clorua.
Để đề phòng các cơn suy thượng thận cấp cũng như các hậu quả xấu của biến chứng này thì ngoài việc phải uống thuốc hydrocortison đều đặn BN suy thượng thận nên:
- Đeo ở cổ tay một thẻ hoặc vòng có ghi vắn tắt chẩn đoán và điều trị phòng trường hợp bị hôn mê thì các thầy thuốc sẽ có phản ứng nhanh hơn, chính xác hơn.
- Dự trữ thuốc: Nếu bạn bỏ thuốc một ngày thì rất nguy hiểm vì vậy bạn nên có một túi thuốc dự trữ tại chỗ làm hoặc trong túi du lịch để có thuốc uống liên tục khi quên uống ở nhà vào buổi sáng.
- Luôn giữ liên hệ với thầy thuốc bằng cách đi khám đều đặn hoặc gọi điện hỏi để biết mình uống thuốc đủ liều, không thiếu mà cũng không bị thừa; đồng thời được tư vấn để tăng hoặc giảm liều, thay đổi uống thuốc cho phù hợp.
Sưu tầm
Tìm hiểu bệnh suy thượng thận mạn tính Sống khỏe